Video Marketing
14 lý do vì sao không ai xem video của bạn

14 lý do vì sao không ai xem video của bạn

Theo thống kê của Youtube, mỗi ngày, mọi người xem hàng trăm triệu giờ trên YouTube và tạo ra hàng tỉ lượt xem trực tuyến, 300 giờ video được tải lên Youtube mỗi phút (Xem thêm các thống kê của Youtube tại đây). Vì vậy không chỉ có các nhãn hiệu, các kênh tiếp thị chuyển sang dùng video để quảng bá sản phẩm/dịch vụ của mình mà ngay cả người tiêu dùng cũng ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều vào video như một phần quan trọng trong quá trình tìm hiểu sản phẩm của họ, mọ muốn xem video thay vì xem hình, họ muốn nghe chúng ta giới thiệu thay vì phải đọc. Với tất cả các yếu tố kể trên, Video Marketing đã trở thành một chiến lược tiếp thị hiệu quả. Có rất nhiều thương hiệu đã dồn hết nguồn lực và thời gian để có thể tạo nên một video quảng cáo hoàn hảo. Nhưng nếu bất chấp mọi nỗ lực mà video của bạn vẫn chỉ thu hút được số ít người xem thì sẽ như thế nào? Với 14 lý do tại sao các video của bạn có ít người xem dưới đây, Chính hy vọng sẽ giúp bạn có được chiến lược tăng lượt view, tiếp cận khách hàng tốt nhất cho video của mình.

1. Thiết lập cài đặt bảo mật cho Video không đúng

Vô tình (hoặc cố ý) chọn chế độ không công khai (unlisted - mọi người đều có thể xem được nếu bạn chia sẻ link) hoặc riêng tư (private - chỉ có bạn được xem video này) khi bạn upload video của mình lên Youtube. Sự vô ý tai hại này có thể khiến bạn mất đi rất rất nhiều lượt xem cho tới khi bạn phát hiện ra nó. Lý do này hơi... nhãm, nhưng đã có nhiều người bị. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn thay đổi cài đặt bảo mật của Youtube tại đây: https://support.google.com/youtube/answer/157177?hl=vi

2. Khách hàng không thấy video của bạn ở kết quả tìm kiếm đầu tiên

Nếu video của bạn nổi tiếng đến mức ai cũng biết thì vấn đề không có gì để nói. Nhưng nếu Video của bạn đang nói về một sản phẩm, vd: máy chụp ảnh chuyên nghiệp Canon 5DS (em này mới ra nên mình lấy làm ví dụ luôn :D). Người dùng đang có nhu cầu, họ có thể tìm kiếm từ khóa "máy chụp ảnh chuyên nghiệp" hoặc thậm chí cả từ "máy chụp ảnh chuyên nghiệp Canon 5DS" trên Googe Video và Youtube để xem đánh giá và giới thiệu, mà video của bạn không xuất hiện, thay vào đó là 1 video của người khác, như vậy bạn đang bỏ lỡ 1 lượt view và có thể là 1 khách hàng tiềm năng. Nội dung của video cũng giống như bất kỳ các nội dung khác, cần phải được tối ưu hóa để người xem có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Nó tương tự như việc bạn tạo ra một video về một đề tài đang được mọi người quan tâm theo dõi, nhưng nếu chưa ai biết gì về thương hiệu của bạn thì cơ hội để từ khóa của video xuất hiện trong kết quả tìm kiếm là rất ít. Hãy dành thời gian để nghiên cứu các từ khóa và tìm hiểu những vấn đề đang được mọi người quan tâm theo dõi. Sau đó, tối ưu hóa tiêu đề, mô tả, thẻ của video và các phần liên quan khác, cơ hội video xuất hiện trong kết quả tìm kiếm sẽ cao hơn.

3. Họ tìm thấy video nhưng các thông tin của video lại không khiến họ quan tâm

Nếu may mắn/làm đúng cách, Video của bạn có thể xuất hiện trong hầu hết các kết quả tìm kiếm trên Google, YouTube, Vimeo hoặc các trang web khác. Nhưng Video của bạn lại có tiêu đề và mô tả rất mơ hồ, hình ảnh đại diện không thu hút thì nó cũng không đủ sức thuyết phục để người xem nhấn vào liên kết. Trường hợp đó bạn cần phải cải thiện phần giao diện của video tốt hơn, bằng cách làm nó bắt mắt với người dùng bằng cách sử dụng hình đại diện hấp dẫn và các thẻ mô tả với ngôn từ thu hút cho video. Cần đảm bảo rằng bất kỳ ai cũng có thể hiểu được nội dung mà video đang đề cập đến và thu hút được sự quan tâm của người xem bằng việc chú trọng phần hình ảnh đại diện.

Youtube Điện MáyCác video của DienMay.com được hàng trăm ngàn lượt xem, với hình đại diện hấp dẫn

Sau khi đã hoàn tất việc tối ưu hóa thẻ mô tả và tiêu đề để thu hút người xem, video của bạn có thể sẽ xuất hiện trong kết quả tìm kiếm nhưng nếu tỷ lệ nhấp chuột vào liên kết mà thấp, Google hoặc Youtube sẽ điều chỉnh lại thứ hạng của video đó. Vì các bộ máy tìm kiếm khổng lồ này sẽ triển khai các thuật toán khác nhau để xác định tiêu đề, mô tả của video có ăn khớp với nội dung không. Vì vậy, nhiệm vụ của bạn là tối ưu nhưng không nói quá sự thật về nội dung trong video của mình.
Phần 2 + 3 này chúng ta gọi nó là SEO, Marketing cho Video, bạn có thể tham khảo các bí quyết trong buổi học thứ 8: "SEO cho Video" tại khóa đào tạo seo hiệu quả của DGM Việt Nam

4. Chưa đưa được lý do tại sao người dùng phải xem video

Bạn có thể nghĩ rằng video của mình sẽ có nội dung hay nhất khi được đăng tải, nhưng với 300 giờ video được tải lên YouTube mỗi phút và hơn 1 tỷ lượt xem trên Facebook mỗi ngày thì liệu nội dung video của bạn có đáp ứng được về mặt thông tin và giải trí như các video khác không? Liệu video đó có thể cung cấp được một câu trả lời cho nhiều câu hỏi? Liệu nó có thể cung cấp được cho người xem thứ mà họ không thể tìm thấy được ở các video khác? Giá trị nó mang lại cho người xem là gì? Tất cả chúng ta đều rất bận rộn, vì vậy để người xem có thể bỏ thời gian để xem video thì nội dung của nó phải thật sự hay và thuyết phục. Ngoài những công ty đang đầu tư lớn cho Video thì việc kiếm tiền trên Youtube hiện nay cũng khiến thị trường video cạnh tranh rất cao, chính vì vậy bạn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho video của mình. 5. Lợi ích của bạn không phải là vấn đề người xem quan tâm Bạn có biết rằng các video có nội dung gắn với thương hiệu thường có kết quả rất tốt? Đó là loại nội dung mà người xem tiếp cận thẳng đến sản phẩm. Tất nhiên mục đích cuối cùng của các video tiếp thị và quảng cáo là để thúc đẩy bán hàng hoặc nhận dạng thương hiệu, nhưng người xem ngày nay đã có ý thức hơn về nội dung quảng cáo của các video, vì vậy phải làm nội dung quảng cáo thật khéo để không gây phản cảm cho người dùng. Vd: Coca-Cola tung chiến dịch mang tên "Quà tết ý nghĩa - The real gif for TET", được đầu tư chất lượng hình ảnh đẹp, nội dung hay, và bạn sẽ không thấy xuất hiện bất kỳ chai Coca nào trong clip này, cho đến cuối cùng thì nhận được 1 thông điệp vô cùng ý nghĩa: "Coca-Cola tin rằng món quà ý nghĩa nhất là giây phút sum vầy bên gia đình và những người thân yêu".

Hãy xem xét các chiến lược từ các video của những thương hiệu đã thành công trong thời gian qua và phân tích phương pháp tiếp cận của họ để biết được lý do tạo nên thành công của họ và học hỏi nhé. Các video này có rất nhiều trên Youtube, Tivi, báo chí,... bạn có thể tìm kiếm thêm. Tương tư như Coca-Cola, như những năm trước, clip quảng cáo tết của Neptune được tung ra từ giữa tháng 01-2015, nhưng đến nay đã được hàng chục triệu lượt xem và lượt chia sẻ trên Facebook, mạng xã hội, báo chí,...

6. Video của bạn không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Chiến dịch marketing thành công nhất không thể hoạt động một cách độc lập. Đã có rất nhiều thương hiệu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội trong năm 2015, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều thương hiệu chưa tiếp cận được hình thức quảng bá này. Nếu bạn muốn quảng bá một video thì phương tiện truyền thông xã hội là cách hoàn hảo nhất vì nó cũng cho phép người khác có thể chia sẻ nội dung đó theo cách riêng của họ. Nếu bạn đăng tải video lên trang web riêng của mình thì sau đó hãy đưa các nút chia sẻ xã hội ngay cạnh video. Còn nếu bạn đăng tải lên YouTube hay Facebook hoặc một nơi khác thì hãy khuyến khích người xem chia sẻ từ trang đó. Đăng tải video lên Facebook, sau đó post một liên kết của trang đích video lên trang Facebook của thương hiệu, chia sẻ thêm trên Pinterest, Google Plus… post vào blog cá nhân… Khi bạn đăng tải một video, hãy khuyến khích người xem chia sẻ và bình luận về video thông qua các phương tiện khác.

7. Video được lưu trữ ở web không có nhiều người truy cập

Dù muốn hay không, khả năng người dùng truy cập đến website của bạn nhiều lần trong ngày là rất thấp, trừ khi bạn cập nhật liên tục các nội dung mới cho website nhiều lần trong ngày. Vì vậy, nếu bạn muốn tăng được lượt view cho video của mình thì hãy đăng tải nó ở những nơi có traffic lớn. Cơ hội để người xem tự động truy cập vào website của bạn sau khi video được đăng tải trên YouTube, Facebook là không cao nhưng nếu bạn có một chú thích hướng dẫn và link đến trang web một cách rõ ràng ngay trên video thì cơ hội sẽ tăng lên.

8. Không có ai đặt liên kết đến Video của bạn hoặc sử dụng nó để nhúng vào trang web của họ

Nếu video của bạn không có sức thu hút, không hấp dẫn người xem thì họ sẽ không xem, không chia sẻ hoặc nhúng nó vào trong website/blog của họ. Một chiến dịch marketing video thành công thực sự phải bao gồm mục tiêu này, bởi vì khi người xem chia sẻ video sẽ tăng lượt hiển thị cho video đó, giúp thông điệp bạn muốn truyền tải trong video tiếp cận với nhiều người xem hơn, kể cả những người chưa từng quen thuộc với thương hiệu/sản phẩm của bạn. Chính người xem bấm like, share video đó sẽ làm nó tự động lan tỏa nhiều hơn. Việc của bạn là tạo các video có nội dung hay và giúp cho mọi người dễ dàng chia sẻ video bằng cách sử dụng tính năng cho phép chia sẻ lên mạng xã hội và các mã nhúng liên kết nhé.

9. Bạn không đặt liên kết đến video của mình, cũng như không nhúng nó vào trang web có nội dung liên quan

Chúng ta có thể thấy rất nhiều video có nội dung hay nhưng chưa thu hút được nhiều lượt view, chia sẻ. Đó là vì video đó chưa được bản thân bạn chia sẻ nhiều, chưa có sự hiển thị tốt. Nếu bạn đang sở hữu hệ thống đòn bẩy gồm các trang web có lưu lượng truy cập lớn, hệ thống truyền thông mạnh mẽ trên mạng xã hội, thì hãy sử dụng chúng để quảng bá cho video của bạn ngay. Tăng cường đặt video trên toàn bộ các website/ blog, hãy sử dụng mọi mối quan hệ của bạn để giới thiệu video và nhúng video trong website của bạn bè, đối tác, các trang báo tin tức, các fanpage, mạng cộng đồng giải trí,…. Bạn còn có thể đặt video có nội dung thích hợp trong email gửi đến cho khách hàng của mình, giới thiệu với họ, vừa tăng thêm sức thu hút, thuyết phục cho email mà vừa đặt được liên kết, tăng lượt view cho video. Ngoài ra, việc đặt video ở những vị trí bắt mắt nhất trên website như trang chủ hoặc đoạn giữa/đoạn cuối/ đoạn đầu của các bài viết nổi bật trong website cũng sẽ thu hút lượt xem. Hãy suy nghĩ và tận dụng mọi nguồn lực có được để chia sẻ video của bạn. Khi người dùng thấy và thích video, họ sẽ tự động là người lan truyền video miễn phí cho bạn.

10. Chưa xây dựng được lượng người xem trung thành

Nếu bạn là một công ty, video chưa có nhiều lượt xem là do bạn không xây dựng mối liên hệ tốt với người xem trung thành của mình hoặc chưa vun đắp tình cảm với người hâm mộ. Có rất nhiều thương hiệu sở hữu những video đạt được lượt xem to lớn và thu được rất nhiều tiền bằng cách luôn tạo ra những video hấp dẫn người dùng, giúp người sử dụng gần gũi với thương hiệu của sản phẩm đó. Mình có tìm được một thống kê top 500 thương hiệu trên Youtube 2014 của OpenSlate, bạn có thể tải về tại đây: https://www.openslatestudios.com/news/download-2014-top-500.pdf

Top Youtube SubscribersXem thêm tại: http://socialblade.com/youtube/

Chúng ta có thể hiểu lý do tại sao nhiều thương hiệu lại có thể đạt được lượt đăng ký theo dõi lên tới hàng triệu người, vì họ đã thực sự đầu tư các video thú vị, không những nó quảng cáo được sản phẩm mà còn làm cho người xem thích sản phẩm đó mà còn yêu thích và hâm mộ thương hiệu. Tất nhiên họ cũng đã mất khá nhiều thời gian và chi phí để nuôi dưỡng được số fan trung thành như hôm nay. Đó là công việc khó khăn với một cá nhân, nhưng gợi ý dành cho bạn là tập hợp một ekip và xây dựng tình cảm với người xem bằng cách lắng nghe họ thích gì, hãy tạo ra những video vượt quá kỳ vọng của họ một cách xuất sắc nhất.

11. Thời lượng video chưa hợp lý

Những video có thời lượng dài sẽ được Youtube và các trang web khác đánh giá cao hơn. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là người xem mục tiêu của bạn cũng có thời gian để xem những video quá dài, vì vậy hãy lựa chọn cẩn thận khi chọn độ dài video tùy theo mục đích của mình. Hãy kiểm tra lại từng video, nếu lượt người xem bất ngờ tụt xuống từ phút nào đó của video (xem trong https://www.youtube.com/analytics) thì hãy chỉnh sửa lại đoạn video và xác định lại độ dài lý tưởng cho video đó.

12. Nội dung không còn thích hợp và lỗi thời

Tỷ lệ người theo dõi thấp cũng thể hiện được nội dung của bạn đã cũ, hoàn toàn dễ hiểu nếu nó không phải là vấn đề được mọi người quan tâm. Để thu hút được nhiều lượt xem, bạn có thể làm các video theo xu hướng, theo dõi các trang web tin tức, thời sự, giải trí để làm các video đánh đúng tâm lý người tìm kiếm về các vấn đề đang nóng hổi. Chú ý: Tuy nhiên, để tạo được nội dung hay, hấp dẫn người dùng, một số thông tin cũ vẫn có thể sử dụng được để thu hút người xem. Một gợi ý nội dung là bạn có thể sử dụng những vấn đề cũ để so sánh với những vấn đề mới và khơi dậy sự tò mò của người xem. Gợi ý cho bạn: tìm lại những video chứa thông tin cũ của mình, không xóa mà tạo thêm một vài video mới và nhắc đến các video cũ này để hướng người quan tâm quay lại, tăng lượt view. Đặt các đường link trên video mới về video cũ, chứa thông tin liên quan. Hoặc bạn có thể tự tạo video sáng tạo bằng cách xoay quanh các sản phẩm/ dịch vụ cũ, đã lỗi thời này.

13. Chất lượng Video không cao

Tốc độ truy cập internet ngày càng nhanh, nên hầu hết mọi người đều muốn xem những video có độ phân giải cao, chuẩn HD, để cho hình ảnh rõ nét và sống động hơn. Khi tìm kiếm, người dùng cũng có xu hướng xem/lọc những video nào chuẩn HD (có biểu tượng HD như hình dưới). Hầu hết các thiết bị di động, tablet, cho đến các loại máy quay hiện nay đều cho ra chế độ phân giải cao chuẩn HD, nên bạn hãy cố gắng tận dụng nó nhé. Youtube Trần Ngọc Chính

14. Lý do này để đây, đi ngủ, mốt rảnh viết tiếp :D

 

Ai có lý do nào thì comment ở dưới nhé, mình sẽ bổ sung vô cho đầy đủ nha!

Chia sẻ bài viết này

One Comment

  1. Dương Triều

    17/08/2016 at 13:38

    Em cũng đang mò cái này.
    Trước giờ chỉ SEO trên web của mình, mấy nay thấy đa số từ khóa chính của công ty bị đối thủ vượt mắt bằng cách SEO video Youtube.
    Không hiểu google nó có ban video đi link quá đà không anh ? hay càng đi nhiều càng lên top.
    Vì bản thân cái thàng Youtube là của Google rồi, chắc có sự ưu ái dành cho nó.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Hello. I’m Chính


Chính là người rất vui tính, là tín đồ của nhiều môn thể thao, ưa mạo hiểm, muốn chinh phục & vượt qua các thử thách khó khăn. Đam mê kinh doanh, kiếm tiền bằng sự sáng tạo, thích đi du lịch khám phá, ham muốn học hỏi và chia sẻ giá trị tri thức cho cộng đồng. Tìm hiểu thêm về Chính

Follow Chính trên Google+